Techmart - Techfest Mekong 2019: Nơi hội tụ công nghệ và doanh nghiệp

13.09.2019

Techmart – Techfest Mekong 2019 đã khép lại sau hai ngày sôi nổi hoạt động, thu hút gần 200 đơn vị tham gia trưng bày hơn 800 kết quả nghiên cứu. Sau 34 phiên kết nối startup với nhà đầu tư, tổng số tiền quan tâm đầu tư đạt 755.000 USD, tiềm năng của các startup được đánh giá ở mức 3,75/5 với 11 sản phẩm nhận được hỗ trợ để phát triển.

Những con số khá ấn tượng đối với một sự kiện quy mô cấp vùng, đặc biệt là tại Cần Thơ – địa phương được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) lựa chọn lần đầu tiên để tổ chức đồng thời hai sự kiện gồm Chợ Thiết bị – Công nghệ (Techmart) và Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Techfest). Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, việc lựa chọn Cần Thơ cũng là mong muốn của Ban Tổ chức nhằm giới thiệu công nghệ, dây chuyền, thiết bị của các viện nghiên cứu, trường đại học trong vùng và trên cả nước, qua đó giúp cho các doanh nghiệp tìm hiểu, tiếp nhận chuyển giao các kết quả nghiên cứu. Đây cũng là cơ hội thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Các startup đã biết hướng đến giải quyết những vấn đề của địa phương.

Một trong những hoạt động chính của Techfest các vùng kinh tế trọng điểm là tìm ra những statup xuất sắc đại diện cho toàn vùng tham gia Chung kết cuộc thi cấp quốc gia về khởi nghiệp sáng tạo (vào đầu tháng 12 tới tại Quảng Ninh). Tại Chung kết cuộc thi vùng ĐBSCL, Ban Tổ chức đã quyết định trao Giải Nhất cho bạn Ngô Thị Hoàng Oanh (Công ty Escoco Việt Nam), tác giả Dự án “Giấy dừa Bến Tre”.

Dự án sản xuất giấy từ xơ dừa, tàu dừa nước hoặc dừa cạn đã chinh phục được Ban Giám khảo cuộc thi do có tính ứng dụng cao. Các tác giả mong muốn nhân rộng mô hình sản xuất loại giấy này tại khu vực miền Tây Nam Bộ nói riêng và các khu vực nông thôn khác nói chung. Việc khai thác cây dừa nước sẽ tạo thêm thu nhập, thêm việc làm cho người dân ở nông thôn. Nhóm tác giả hy vọng loại giấy làm từ dừa này không chỉ được dùng trong mỹ thuật, trang trí nội thất mà còn có thể dùng để sản xuất bao bì thay cho giấy thông thường hoặc túi nilon.

Nhận định chung về chất lượng của các dự án tham gia Chung kết cuộc thi, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cho biết, nhìn chung các dự án có chất lượng rất tốt, biết khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng là nông nghiệp và thủy hải sản. Nhiều dự án tập trung hướng đến giải quyết những vấn đề của địa phương như nuôi trồng hải sản, phát triển nông nghiệp xanh, năng lượng xanh, ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhiều bạn trẻ là sinh viên đến từ các trường đại học trong vùng như Cần Thơ, An Giang… đã biết làm việc nhóm, kết hợp với giảng viên của các trường đại học với doanh nghiệp, doanh nhân, nên những dự án đều mang đậm “hơi thở” cuộc sống. Các bạn đã biết tích hợp giữa phần mềm máy tính, điện thoại di động với IoT, với các phần mềm khác về cơ sở dữ liệu để đưa ra những mô hình kinh doanh. Việc tiếp cận ban đầu về mô hình kinh doanh của các sinh viên sẽ là cơ sở phát triển tiếp mô hình có khả năng nhân rộng.

Phát biểu về những dự án của vùng ĐBSCL, trong đó có dự án của Cần Thơ, bà Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP. Cần Thơ cũng khẳng định thế mạnh hiện nay của tỉnh và các địa phương trong vùng là lực lượng thanh niên có tinh thần khởi nghiệp rất cao, đầy ham mê và nhiệt huyết, có ý chí phấn đấu, tự lực vươn lên, vượt qua khó khăn với nhiều ý tưởng mới có tính sáng tạo. Tuy nhiên, các dự án này vẫn tập trung chủ yếu ở một số lĩnh vực thuộc nông nghiệp, chế biến lâm sản và du lịch nên cần mở rộng sang các lĩnh vực khác.

Cơ hội cho các doanh nghiệp tìm hiểu lẫn nhau

Chuỗi hoạt động không chỉ là dịp để các viện, trường giới thiệu thành quả nghiên cứu, các startup tranh tài trong Cuộc thi chung kết về khởi nghiệp sáng tạo và tìm kiếm nhà đầu tư cho các dự án của mình, mà còn là cơ hội cho các doanh nghiệp tìm hiểu lẫn nhau về sản phẩm, công nghệ thiết bị.

Theo ông Nguyễn Minh Quân, Giám đốc kinh doanh (Công ty CP Đại Thành, Bắc Ninh), sự kiện đã giúp các doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu sản phẩm, tìm kiếm đối tác kinh doanh có chung chí hướng để bổ trợ cho nhau, cùng nhau phát triển. Đây cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Bà Trương Thị Cẩm Hồng (Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long, Bến Tre) cho biết, Công ty cũng đã nhiều lần tham gia những hội chợ công nghệ như vậy và thu được nhiều lợi ích. Bà cho rằng, việc tham gia hội chợ không chỉ để giới thiệu sản phẩm của mình mà còn có điều kiện tham quan, tìm hiểu thiết bị của các doanh nghiêp khác, nhất là những thiết bị, công nghệ mới, để từ đó có thể tiếp nhận chuyển giao công nghệ, làm cho sản phẩm của mình ngày càng hoàn thiện hơn. Lần này, Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long tham dự Chung kết cuộc thi và đã giành Giải Ba với sản phẩm độc đáo là ống hút làm bằng nước dừa thân thiện với môi trường.

Techmart – Techfest Mekong 2019 đã thực sự tạo ấn tượng tốt đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trẻ tại vùng ĐBSCL. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, sự kiện không những đẩy mạnh liên kết các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp mà còn góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của các địa phương trong vùng, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp vùng ĐBSCL với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

Phát biểu tại Lễ Bế mạc, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia đánh giá cao những kết đạt được của sự kiện Techmart – Techfest Mekong 2019, đồng thời khẳng định, các thành tựu về KH&CN góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nói chung và nông sản nói riêng. Các dự án/ý tưởng khởi nghiệp được nhiều nhà đầu tư quan tâm, mang tính thiết thực và có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn. Đây là tiền đề cho việc tổ chức sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Vietnam 2019)./.

Scanning

Cancel